Tổng quan về phương pháp độ hòa tan

Độ hòa tan

Độ hoà tan là thử nghiệm phổ biến nhất cho các sản phẩm dạng rắn dùng đường uống. Độ hoà tan được dùng trong kiểm soát chất lượng thành phẩm và bán thành phẩm, hỗ trợ cho quá trình xuất xưởng thành phẩm, kiểm soát sự đồng nhất giữa các lô, theo dõi độ ổn định và phát hiện những bất thường trong nguyên liệu hay quá trình sản xuất. Bài viết sau trình bày các khía cạnh tổng quan về phương pháp độ hoà tan.

1. Khả năng phân biệt (Discriminatory power) của phương pháp độ hoà tan

Khả năng phân biệt của phương pháp độ hoà tan là khả năng phương pháp phát hiện được những thay đổi về đặc tính của sản phẩm. Khả năng phân biệt thường được xác định bằng cách đánh giá ảnh hưởng của các thay đổi đáng kể có chủ ý trong công thức và quy trình lên đồ thị phóng thích hoạt chất. Qua đó, phương pháp có thể xác định bất cứ bất thường nào về nguyên liệu và quy trình sản xuất. Môi trường phân biệt cũng được ứng dụng trong quá trình phát triển sản phẩm đạt tương đương sinh học.

2. Điều kiện chìm (Sink condition)

Điều kiện chìm là khả năng của môi trường thử nghiệm hoà tan 3 – 10 lần lượng hoạt chất có trong viên. Nếu thử nghiệm không đạt điều kiện chìm, tốc độ hoà tan không được đo 1 cách nhất quán, khó lặp lại và không mô phỏng môi trường sinh học thực tế. Thông thường, điều kiện sink có thể đạt được nhờ điều chỉnh tốc độ khuấy, điều chỉnh dung môi hay dùng các chất diện hoạt. Việc sử dụng chất diện hoạt nên ở nồng độ thấp nhất có thể.

3. Môi trường hòa tan

Các môi trường khác nhau mô phỏng các phần khác nhau của ống tiêu hóa mà thuốc đi qua. Ba môi trường phổ biến nhất hay được sử dụng gồm pH 1.2, pH 4.5 và pH 6.8. Khi lựa chọn đệm cho môi trường hoà tan cần lưu ý lực ion (ionic strength) và hiện tượng mất cân đối muối (salt disproportion).

Bạn có thể tham khảo thêm bài viết Môi trường hòa tan mô phỏng sinh học và ứng dụng

4. Thiết bị

Có 7 loại thiết bị thử nghiệm độ hoà tan được đề cập trong USP, trong đó, phổ biến nhất là giỏ quay (USP Apparatus 1) và cánh khuấy (USP Apparatus 2). Một số thiết bị khác cũng được ứng dụng cho các dạng bào chế đặc biệt khác như Apparatus 3 được khuyến cáo dùng cho viên bao tan trong ruột hay Apparatus 4 cho các hoạt chất có độ tan kém.

5. Phát triển thử nghiệm hòa tan theo các dạng bào chế

Các dạng bào chế rắn phóng thích tức thời thường rã nhanh khi tiếp xúc với môi trường hoà tan và đạt nồng độ tối đa trong thời gian ngắn (thường từ 45 – 60 phút trong môi trường đạt điều kiện sink). Tiêu chuẩn cho dạng bào chế phóng thích tức thời thường là phần trăm tối thiểu hoạt chất hoà tan trong khoảng thời gian xác định. Định nghĩa Q cũng được đề cập trong 1 số tiêu chuẩn.

Phóng thích kéo dài thường kiểm soát thông qua matrix màng bao polymer, làm cho hoạt chất phóng thích hoàn toàn trong vài giờ đến vài ngày. Thử nghiệm độ hòa tan phải được kiểm soát và đảm bảo tốc độ giải phóng hoạt chất không đổi trong thời gian mong muốn.

Phóng thích biến đổi: Phóng thích biến đổi sử dụng màng bao nhằm duy trì sự nguyên vẹn của thuốc khi đi qua môi trường dạ dày và hòa tan nhanh trong môi trường ruột non. Thông thường, các thử nghiệm độ hoà tan được thử nghiệm trong 2 môi trường. Trong đó, hoạt chất không được giải phóng trong môi trường pH 1.2 và giải phóng nhanh trong môi trường pH 6.8.

6. Tương quan in vitro – in vivo

Tương quan in vitro – in vivo (in vitro – in vivo correlation) được định nghĩa là một mô hình toán học dự đoán khả năng hoà tan và hấp thu của dược chất trong cơ thể (in vivo) dựa trên số liệu độ hoà tan in vitro. Việc thiết lập tương quan in vitro – in vivo nhằm giảm các thử nghiệm tương đương sinh học trong đăng ký mới hay đăng ký thay đổi, tăng chất lượng thuốc và giảm áp lực cho cơ quan quản lý.


NGUỒN THAM KHẢO:

Dissolution Testing: An overview

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
error: Content is protected !!
DMCA.com Protection Status