Vì sao cùng là Paracetamol 500mg nhưng giá lại chênh lệch nhau?

Vì sao cùng là Paracetamol 500mg nhưng giá lại chênh lệch nhau?

Bạn có bao giờ mang đơn ra nhà thuốc và gặp trường hợp dược sĩ tư vấn báo hiện nhà thuốc không có đúng tên thuốc theo đơn, nhưng lại có một số dòng sản phẩm khác tương tự với loại thuốc bạn cần?

Các thuốc này có chung 1 hoạt chất và hàm lượng, tuy nhiên được sản xuất bởi các nhà sản xuất (NSX) khác nhau và thường có giá cả cũng khác nhau.

Để dễ hình dung, chúng ta hãy cùng tham khảo mức giá khác nhau của viên nén sủi Paracetamol 500mg từ các NSX khác nhau của kết quả trúng thầu BYT từ 16/12/2021 đến ngày 26/8/2022 (lưu ý số liệu chỉ mang tính tham khảo cho bài viết, còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau trong quy trình thầu):

    • Efferalgan (Pháp): từ 2400-2500 VNĐ/viên
    • Partamol eff (VN): từ 1350-1400 VNĐ/viên
    • Paracetamol 500 (VN): từ 1000-1300 VNĐ/viên
    • Panalganeffer 500 (VN): từ 600-650 VNĐ/viên

Tại sao cùng là một loại thuốc, cùng hàm lượng và dạng bào chế nhưng giá thành lại có sự khác biệt?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt về giá cả như trên. Trong đó có một nguyên nhân rất lớn đến từ việc đáp ứng các quy định khó khăn, nghiêm ngặt hơn của các nhóm thầu cao hơn khi đấu thầu thuốc của NSX:

Theo thông tư 14/VBHN-BYT (2021), Quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, có nêu rõ các nhóm gói thầu thuốc từ nhóm 1 đến nhóm 5 theo cấp độ giảm dần về các yếu tố quản lý, dây chuyển sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc,…của thuốc:

Vui lòng xem thông tư để nắm rõ hơn về cách phân loại, ở đây chỉ liệt kê đơn giản một số thông tin để phân loại 5 nhóm thuốc:

Nhóm 1: thuốc phát minh; thuốc sản xuất tại các nước thuộc danh sách SRA trên dây chuyền EU-GMP; thuốc sản xuất tại Việt Nam trên dây chuyền EU-GMP và được lưu hành tại các nước SRA

Nhóm 2: Sản xuất trên dây chuyền EU-GMP hoặc PIC/s-GMP của các nước là thành viên của ICH

Nhóm 3: Sản xuất trên dây chuyển WHO-GMP và có tương đương sinh học

Nhóm 4: Sản xuất trên dây chuyền WHO-GMP

Nhóm 5: Các nhóm khác

Mức giá cả khi đấu thầu của các nhóm thuốc này cũng khác nhau và thường mức giá sẽ giảm dần từ nhóm 1 đến nhóm 5 cho chung một hoạt chất, dạng bào chế, hàm lượng.

Thuốc phát minh chứa rất nhiều chất xám, đầu tư nhiều tiền bạc, nhân lực để nghiên cứu và được bảo hộ sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định, do đó giá thành cao là điều tất yếu.
Các dòng generic khác để được lên nhóm 1, nhóm 2 cần phải đáp ứng rất nhiều chỉ tiêu gắt gao liên quan đến chất lượng, quản lý và xuất khẩu. Do đó mức giá thành cũng sẽ cao hơn bởi cần đầu tư hệ thống, nhà xưởng, con người và cung ứng theo yêu cầu. Với yêu cầu có nghiên cứu tương đương sinh học để chứng minh hiệu quả của thuốc, nhóm 3 sẽ cần đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc và công sức hơn so với nhóm 4.

Hiện nay ở Việt Nam đang có xu hướng nâng cấp nhà máy lên EU-GMP để có thể đấu thầu thuốc lên nhóm 2 và tiến hành nghiên cứu tương đương sinh học để lên nhóm 3. Việc các NSX ở Việt Nam đang có xu hướng nâng cấp nhà xưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể đấu thầu thuốc ở các nhóm thuốc cao hơn đang góp phần nâng cao giá trị và tăng cường chất lượng thuốc sản xuất trong nước, đồng thời cũng giúp ngành dược Việt Nam phát triển hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh cho xuất khẩu.

 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
error: Content is protected !!