Phấn rôm trẻ em và tai tiếng của J&J: Góc nhìn toàn cảnh

1. Thành phần của phấn rôm

Phấn rôm dành cho trẻ em và phụ nữ có thành phần chính là bột Talc – khoáng vật cấu tạo từ magie silicat ngậm nước có khả năng thấm hút tốt và giảm ma sát. Ngoài ra, bột talc được dùng trong y học để ngăn ngừa sự tái phát tràn dịch màng phổi ác tính ở những bệnh nhân có triệu chứng trong quá trình nội soi lồng ngực hoặc phẫu thuật mở lồng ngực. Trong công nghiệp dược, talc thường được sử dụng chủ yếu làm tá dược trơn để cải thiện khả năng trơn chảy của bột khi dập viên.

2. Nguồn gốc và tạp chất amiăng

Hầu hết bột talc được sản xuất từ các mỏ lộ thiên, nơi đá (loại đá biến chất, metamorphic rocks) được khoan, nổ và nghiền một phần trong hoạt động khai thác. Sau đó, được đưa từ mỏ đến nhà máy nghiền để tiếp tục giảm kích thước tiểu phân nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Các tạp chất thường được loại bỏ bằng phương pháp tuyển nổi (froth frotation) hoặc xử lý cơ học. Vì talc là một khoáng vật tự nhiên được khai thác từ các mỏ quặng nên đã có những quan ngại về độ an toàn như liệu talc có chứa các chất gây ô nhiễm có hại, chẳng hạn như amiăng (asbestos) hay không? Amiăng cũng là một khoáng chất silicat tự nhiên, nhưng có cấu trúc tinh thể khác so với talc và hai khoáng vật này thường được tìm thấy gần nhau trong các mỏ quặng. Tuy nhiên, không giống như bột talc, amiăng được biết đến là một chất gây ung thư.

3. Amiăng và những nghiên cứu không rõ ràng

Trở về những năm 1960, một số tài liệu khoa học cho thấy có thể có mối liên quan giữa việc sử dụng các sản phẩm có chứa talc và sự xuất hiện của ung thư buồng trứng (khi thoa ở vùng sinh dục) và ung thư phổi (khi hít phải). Trước làn sóng dư luận, một nghiên cứu của FDA được thực hiện nhanh chóng nhưng không tìm thấy bằng chứng về các sợi hoặc cấu trúc amiăng trong bất kỳ mẫu mỹ phẩm chứa bột talc nào được sử dụng trong nghiên cứu.

Tuy nhiên, do số lượng mẫu được thử nghiệm hạn chế, những kết quả này chỉ mang tính chất cung cấp thông tin và không kết luận rằng tất cả các sản phẩm mỹ phẩm có chứa talc hoặc bột talc trên thị trường Hoa Kỳ không bị nhiễm amiăng (ngoài ra một số nguồn tin về sau tiết lộ kĩ thuật phân tích vào thời điểm đó chưa đủ khả năng phát hiện được vết amiăng).

Trong khi đó, các thử nghiệm lâm sàng cho thấy kết quả không thật sự thống nhất, nhưng kết hợp những dữ liệu dịch tễ học của các nghiên cứu bệnh chứng (case-control) và nghiên cứu đoàn hệ (cohort) cho thấy: Có thể có sự liên quan (dù nhỏ) giữa việc sử dụng bột talc ở vùng sinh dục và ung thư buồng trứng. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã đưa ra những nhận định về vấn đề này:

  • IARC phân loại bột talc có chứa amiăng là “chất gây ung thư cho người”.
  • Dựa trên việc còn thiếu dữ liệu từ các nghiên cứu trên người và các dữ liệu hạn chế trong các nghiên cứu trên động vật, IARC cho rằng bột talc không chứa amiăng (khi hít phải) “không phân loại là chất gây ung thư ở người”.
  • Dựa trên bằng chứng (dù còn hạn chế) từ các nghiên cứu trên người về mối liên quan với ung thư buồng trứng, IARC phân loại việc sử dụng bột talc ở vùng sinh dục là “có thể gây ung thư cho người”.

4. Sự thật dần sáng tỏ…

Lại nói về…tai tiếng lớn vừa qua của hãng dược phẩm hàng đầu thế giới Johnson & Johnson, hãng này đã tung ra sản phẩm phấn rôm dành cho trẻ em vào năm 1894 để làm dịu chứng hăm tã. Nhưng đến những năm 1990 trở về sau, hãng phải đối mặt với nhiều vụ kiện về việc có amiăng trong sản phẩm. Theo thống kê, hãng này hiện có 40.300 trường hợp đang chờ xử lý chỉ tính riêng ở Mỹ với cáo buộc bột phấn bị nhiễm amiăng và bị yêu cầu bồi thường số tiền lên đến hàng chục tỉ đô la.

Vào năm 2018, các cuộc điều tra của Reuters và The New York Times cho thấy J&J đã biết về việc nhiễm amiăng trong sản phẩm của họ nhưng họ đã không tiết lộ thông tin. Sau đó 1 năm, J&J đã thu hồi 33.000 chai phấn rôm trẻ em sau khi FDA lần này tìm thấy vết amiăng trong đó.

Vào năm 2020, hãng đã ngừng lưu hành phấn bột trẻ em ở Mỹ và Canada và công bố rằng quyết định được đưa ra là do thói quen của người tiêu dùng thay đổi “được thúc đẩy bởi thông tin sai lệch xung quanh sự an toàn của sản phẩm và làn sóng kiện tụng liên tục”. Đến năm 2021, J&J thành lập một công ty con ở Texas với tên gọi LTL. Sau đó, bằng cách sử dụng một điểm hạn chế trong luật của bang Texas, J&J đã chuyển tất cả các trách nhiệm pháp lý liên quan đến cơn sóng kiện tụng sang lớp vỏ của công ty mới, trong khi vẫn giữ tài sản ở công ty mẹ. LTL sau đó đã nộp đơn phá sản ở North Carolina (bang có luật phá sản “thoáng” nhất) và định “đóng băng” tất cả các vụ việc (quả là một nước đi cao tay). Mặc dù hãng đã khẳng định rằng họ sẽ giải quyết tất cả các trường hợp một cách “hiệu quả và công bằng”, tuy nhiên, nhiều người hoài nghi đây chỉ là một chiến lược “chia trứng trong giỏ” của tập đoàn này để trì hoãn các vụ kiện và yêu cầu bồi thường.

Cho đến tháng 8 vừa qua, J&J đã chính thức lên tiếng dừng lưu hành sản phẩm phấn rôm trẻ em có nguồn gốc từ bột talc trên toàn thế giới và chuyển sang sản xuất sản phẩm từ tinh bột bắp, nhưng có công bố là nhằm mục đích “tối ưu hóa danh mục sản phẩm”. Như vậy, cuộc hành trình đi tìm công lý của những người tiêu dùng kém may mắn với lọ phấn rôm vốn đã được sử dụng nhiều chục năm nay vẫn còn chưa biết bao giờ đi đến hồi kết…


NGUỒN THAM KHẢO:

  1. Johnson & Johnson’s Connection to Asbestos
  2. J&J to end global sales of talc-based baby powder
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
error: Content is protected !!