Viên trong viên (Tablet in tablet): Công nghệ nén – bao viên sáng tạo

Bao đường và bao phim đã được ứng dụng từ lâu để bảo vệ viên nhân, tuy nhiên hai kỹ thuật này còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, bao đường với nhiều công đoạn nên thời gian bao lâu, đòi hỏi kinh nghiệm và tay nghề cao. Ngoài ra, các viên nén chứa hoạt chất nhạy cảm với ẩm và nhiệt sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình bao phim.

Khắc phục các nhược điểm trên, công nghệ nén – bao viên trong viên được ra đời từ năm 1896 bằng cách sử dụng máy dập viên xoay tròn có 3 phễu, và đã được đăng ký bằng sáng chế ở Anh. Nhiều thuật ngữ được đưa ra để mô tả công nghệ này như one-step dry coating (OSDrC), Press coated tablet, Compression coated tablet, compression-embedding technique, dry coating,…

Ưu điểm của công nghệ nén – bao viên trong viên:

  • Tránh tương tác giữa hai hoạt chất
  • Phát triển dạng bào chế phóng thích kiểm soát (như phóng thích kéo dài)
  • Không dùng dung môi, tránh độc hại, thân thiện với môi trường
  • Tránh tương tác dược động học giữa 2 thuốc bằng cách kiểm soát thời gian phóng thích.
  • Tăng độ ổn định viên nén trong lõi

Thách thức:

  • Khả năng nhiễm chéo giữa hai lớp
  • Khó tạo viên có độ bền cơ học cao trong quá trình dập viên cũng như bảo quản
  • Cần có máy dập viên chuyên dụng
  • Sự đồng nhất lớp viên bên ngoài thấp nếu viên nhân không nằm chính giữa khối bột

Các giai đoạn của quy trình dập viên trong viên cơ bản:

  • Dập riêng lõi viên nhân
  • Dập sơ bộ một mặt của vỏ ngoài
  • Cho viên nhân vào giữa lõi
  • Chày dưới đẩy viên vào chính giữa khối bột
  • Dập tiếp mặt còn lại và thành của lớp ngoài viên

Một số đặc điểm lý tưởng của lõi và lớp ngoài viên để tạo viên thành phẩm có độ ổn định cơ học tốt:

  • Khối lượng cốm lớp bên ngoài nên ít nhất gấp đôi với khối lượng viên lõi bên trong
  • Tỷ trọng cốm hai lớp nên tương đồng nhau. Nếu lõi bên trong có tỷ trọng thấp thì nên điều chỉnh tỷ lệ khối lượng cốm lớp ngoài tăng lên tương ứng để đạt lớp bao hoàn chỉnh
  • Đường kính lớp viên bên ngoài nên lớn hơn khoảng 3/32 inch so với đường kính viên lõi, tương ứng bề dày lớp phủ bên ngoài khoảng 3/64 inch
  • Lõi viên nên có kích thước càng nhỏ càng tốt
  • Cốm lớp ngoài phải có độ kết dính và đủ dẻo để giãn nở nhẹ với sự giãn nở của viên nhân sau khi đẩy ra khỏi cối
  • Kích thước hạt cốm lớp ngoài nhỏ vừa để lấp đầy khoảng cách giữa thành cối và viên nhân
  • Viên nhân phải được đặt ở trung tâm viên để tạo lớp bao ngoài đồng nhất, tạo sự phóng thích hoạt chất hai lớp đồng nhất giữa các viên.

Hai vấn đề thường xảy ra nhất đối với viên này là tình trạng bong mặt và viên lõi không định tâm chính xác.

– Vấn đề bong mặt đến từ nhiều nguyên nhân như công thức, viên nhân, quy trình và thiết bị dập viên, chày cối sử dụng. Cách giải quyết cũng tương tự như giải quyết tình trạng bong mặt ở viên nén thông thường.

– Vấn đề viên nhân lệch tâm có các nguyên nhân sau:

  • Cốm chảy kém vào khoang giữa viên và thành cối không đều 2 bên
  • Hạt cốm quá cứng
  • Cốm chảy kém vào khoang giữa viên và thành cối không đều 2 bên
  • Viên nhân chứa các chất có nhiệt nóng chảy thấp như sáp. Nên kiểm soát nhiệt độ môi trường dập viên hoặc làm lạnh viên nhân trước khi dập
  • Lực ly tâm lớn của mâm xoay. Nên giảm tốc độ dập viên

Ví dụ:

Theo patent US 20190142755, sản phẩm thương mại kết hợp Cyclophosphamide và Capecitabine tăng tác dụng điều trị ung thư vú di căn được sản xuất bởi Intas Pharmaceuticals Ltd sử dụng công nghệ “viên trong viên”. Thực nghiệm chỉ ra rằng tổng lượng tạp chất tăng lên đáng kể khi phối trộn hai hoạt chất này ở dạng đơn liều do tính tương kỵ. Cyclophosphamide rất dễ bị thủy phân khi có dung môi và nhạy sáng. Do đó, sản phẩm này sử dụng công nghệ “viên trong viên” gồm lõi chứa Cyclophosphamide và tá dược, lớp bao quanh bên ngoài chứa Capecitabine và tá dược.


NGUỒN THAM KHẢO:

  1. Tablet in Tablet – An Innovative and Pragmatic Approach in Tableting Technology
  2. Review on Tablet in Tablet techniques
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
error: Content is protected !!