Tylenol 1982 – sự kiện đã thay đổi ngành dược phẩm toàn cầu

Tháng 9 năm 1982, thuốc viên nang cứng Tylenol (acetaminophen) bị tình nghi tẩm độc Cyanide đã cướp đi tính mạng của 7 bệnh nhân ở thành phố Chicago (Mĩ), biến đây trở thành một sự kiện ảnh hưởng chất lượng nghiêm trọng trong ngành Dược toàn cầu. Tuy nhiên, cách mà hãng dược Johnson & Johnson (J&J) giải quyết sự cố đã giúp công ty nhanh chóng vượt qua cơn khủng hoảng về doanh số và lấy lại lòng tin nơi người tiêu dùng.

 

Đôi nét về quá trình nghiên cứu và phát triển của Tylenol

Tylenol với hoạt chất là acetaminophen – paracetamol là một thuốc được chỉ định trong giảm đau và hạ sốt, thuốc này ban đầu được nghiên cứu và phát triển bởi McNeil Laboratories. Tylenol được đặt tên bởi bộ phận marketing của công ty từ các chữ cái có trong hoạt chất đó là n-aceTYL-p-aminophENOL.

Các nghiên cứu chuyên sâu về acetaminophen đã chỉ ra rằng, hiệu quả giảm đau và hạ sốt tương đương so với khi dùng aspirin. Tuy nhiên khác với aspirin, hoạt chất này không gây đau và loét dạ dày. Do đó, bị thuyết phục bởi tính hiệu quả và an toàn của acetaminophen, McNeil Laboratories đã quyết định đầu tư mạnh cho việc nghiên cứu hoạt chất này với sản phẩm đầu tiên là Algoson – thuốc elixir phối hợp giữa butabarbital (an thần) và acetaminophen.

Tuy nhiên, với việc chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm liên quan đến API này càng tăng cao, McNeil Laboratories đã được bán cho công ty Johnson & Johnson vào năm 1959.

Năm 1975 và 1976, J&J lần lượt cho ra đời Viên nang cứng Tylenol và Viên nén Tylenol (OTC). Năm 1982, Tylenol chiếm 35% trong thị trường thuốc giảm đau hạ sốt ở Mĩ, và cũng là dòng sản phẩm bán chạy nhất của công ty, khi đóng góp tới hơn 17% lợi nhuận.

 Sự kiện năm 1982 và ảnh hưởng

Ngày 30 tháng 9 năm 1982, 7 người đã thiệt mạng ở Chicago (Mĩ) sau khi sử dụng thuốc viên nang cứng Tylenol, các viên thuốc này sau đó được phát hiện là đã bị tẩm độc Cyanide. Một sự việc tương tự cũng đã xảy ra ở California vào ngày 7 tháng 10 khi các viên nang Tylenol đã bị tẩm độc Strychnine. Nguyên nhân đằng sau vụ việc tới nay vẫn chưa được làm rõ.

J&J sau đó đã phải lập tức thu hồi 31 triệu chai thuốc viên nang và thay thế miễn phí bằng dạng viên nén trên toàn thế giới, dù hành động này đã tiêu tốn hơn 100 triệu USD. Đây được coi là đợt thu hồi thuốc đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, hình ảnh của công ty đã giảm sút nghiêm trọng khi công ty đối diện với sự nghi ngờ chất lượng đến từ bệnh nhân và các cơ quan y tế, thị phần Tylenol chỉ còn 7% chỉ sau vài tuần kể từ sự kiện ở Chicago.

Cách J&J giải quyết sự cố

Chỉ gần 6 tuần sau đó, J&J tái ra mắt thị trường với sản phẩm viên nang cứng Tylenol giá rẻ hơn nhưng lại trang bị thêm một miếng seal bằng nhôm chống giả mạo ở phần miệng chai và một miếng seal nhựa bên ngoài nắp chai nhằm bảo vệ cho thuốc toàn vẹn nhất trước khi đến tay người tiêu dùng.

Phương án này sau đó cũng đã trở thành một tiêu chuẩn về đóng gói chai thuốc trong ngành Dược khi được FDA chính thức hướng dẫn về các biện pháp chống giả mạo cho các nhà sản xuất dược phẩm vào năm 1989.

Công ty sau đó cho ra mắt thị trường viên caplet Tylenol, là dạng bào chế viên nén nhưng được bao bởi 1 lớp gelatin bên ngoài giúp cho việc uống thuốc được dễ dàng hơn, đồng thời ngăn chặn được việc giả mạo thuốc.

Năm 1988, J&J cho ra đời viên ‘Rapid release’ Tylenol gelcaps, là dạng viên nén được bao 1 lớp gelatin tương tự như viên caplet. Tuy nhiên, viên được đục các lỗ nhỏ ở phần thân viên bằng tia laser để giúp cho việc phóng thích hoạt chất được nhanh chóng. Đây là dạng viên sáng tạo nhất thời điểm bấy giờ, giúp chống việc giả mạo thuốc.

Dù vậy, tính hiệu quả trong việc hạ sốt nhanh chóng của dạng viên này vẫn còn gây tranh cãi, khi 1 nghiên cứu đã chỉ ra rằng dạng viên “rapid release” gelcaps này hoà tan chậm hơn 30s so với dạng viên nén Tylenol thường (với giá rẻ hơn) ở điều kiện phòng phí nghiệm.

Vượt qua khủng hoảng

Chỉ trong vòng 1 năm, bằng việc đặt sức khoẻ của bệnh nhân lên hàng đầu kết hợp ra mắt các sản phẩm với các biện pháp bảo vệ khác nhau, J&J đã dần lấy lại được lòng tin từ người tiêu dùng và các chuyên gia y tế. Do đó, dòng sản phẩm Tylenol đã nhanh chóng giành lại thị phần ở thị trường thuốc hạ sốt như trước khủng hoảng (29%).

Cách xử lý sự cố của J&J là 1 case study điển hình về trách nhiệm của 1 công ty dược đối với vấn đề chăm sóc sức khoẻ con người và việc đảm bảo chất lượng thuốc toàn vẹn trong suốt quá trình từ sản xuất, bảo quản, cho tới tay người tiêu dùng.

 


error: Content is protected !!