Tổng quan về phương pháp che vị bằng chất làm ngọt trong sản xuất dược phẩm (Phần 1)

Che vị bằng chất làm ngọt là một trong các phương pháp thường được sử dụng nhất để che vị khó chịu của dược chất. Việc lựa chọn chất làm ngọt sử dụng trong công thức nên cân nhắc 3 yếu tố cơ bản: kỹ thuật, quy định pháp lý và tính lâm sàng. Bài viết tập trung tới các chất làm ngọt thường được sử dụng trong công nghiệp dược Việt Nam.

Vấn đề kỹ thuật

  • Tập trung vào ba yếu tố chính gồm đặc điểm độ ngọt (cường độ, thời gian bắt đầu tạo vị và hậu vị), độ ổn định, sự kết hợp các loại chất làm ngọt.
  •  Chất làm ngọt được chia làm hai nhóm chính: nhóm “nutritive” và “non-nutrietive”.
  • Chất làm ngọt ở nhóm nutritive cho vị ngọt nhanh, hậu vị ngắn. Ví dụ: sucrose, glucose, dextrose,..
  • Chất làm ngọt ở nhóm non – nutritive gồm hai phân nhóm: “Sugar alcohol” và nhóm chất làm ngọt nhân tạo (artificial sweeteners).
  • Sugar acohol là một loại carbohydrate và có cấu trúc hóa học tương tự như đường, tên thường kết thúc bằng đuôi “-ol”. Sugar alcohol cho vị ngọt chậm hơn đường nhóm “nutritive” , vị ngọt nhẹ và hậu vị ngắn. Ví dụ: Xylitol, Maltitol, Sorbitol, Mannitol, Erythritol,..
  • Chất làm ngọt nhân tạo cho vị ngọt mạnh và hậu vị kéo dài hơn hai loại trên. Ví dụ: Sucralose, Aspartame, Acesulfame Potassium, Sodium Saccharin.

Về độ ổn định, tính chất lý hóa

  •  Aspartame: Trong điều kiện có tính acid hoặc kiềm mạnh, aspartam có thể thủy phân tạo ra methanol. Trong điều kiện khắc nghiệt hơn, các liên kết peptid cũng bị thủy phân, tạo ra các acid amin tự do. Độ hòa tan của aspartame trong nước phụ thuộc vào pH và nhiệt độ, độ hòa tan tối đa đạt được ở pH 2,2 (20 mg / mL ở 25°C) và độ hòa tan tối thiểu ở pH 5,2 (13,5 mg / mL ở 25°C). Trong dung dịch nước, mối quan hệ giữa pH và độ ổn định của aspartame là một đường cong hình chuông với độ ổn định tối đa ở pH 4,3.
  • Acesulfame – K: Khả năng hòa tan trong nước cao. Acesulfame – K bền nhiệt. Nó có thể có vị đắng sau khi được sử dụng một mình nên Acesulfame – K thường được pha trộn với chất làm ngọt khác (thường là sucralose hoặc aspartame) thể hiện tác dụng hiệp đồng.
  •  Sucralose: Tan rất tốt trong nước và ổn định ở khoảng pH và nhiệt độ rộng. Có thể tạo ra HCl ở nhiệt độ cao làm thay đổi cảm quan dạng bào chế.
  • Saccharin: Có vị đắng khó chịu hoặc vị kim loại. Được sử dụng dưới dạng muối natri hoặc calci, cả hai muối đều tan tốt trong nước. Kết hợp hai chất làm ngọt: cơ chế ví dụ cụ thể sẽ được nêu ra ở bài viết sau.

Vấn đề pháp lý

  • Tính pháp lý các chất làm ngọt khác nhau tùy theo vùng địa lý, một số khu vực chấp nhận các chất làm ngọt cụ thể nào được phép dùng trong dược phẩm, chất làm ngọt nào không được sử dụng. Nhiều chất làm ngọt phổ biến được liệt kê trong các dược điển khác nhau như USP, EP, JP, BP hoặc theo GRAS (danh sách các chất được xác định là an toàn cho tất cả mọi người khi sử dụng liều lượng cho phép – kể cả phụ nữ mang thai, danh sách này được FDA cập nhật hằng năm).
  • Nên lưu ý về hàm lượng tối đa cho phép (Acceptable Daily Intake (ADI)) khi sử dụng các chất làm ngọt nhân tạo.

Cân nhắc về lâm sàng

  • Khi sử dụng các chất làm ngọt thuộc nhóm nutritive, cần cân nhắc với bệnh nhân gặp các bệnh đồng mắc như tiểu đường và nguy cơ gặp các bệnh về răng miệng. Nhưng cũng không nên cường điệu hóa vấn đề này bởi nếu xét thấy lợi ích > nguy cơ thì vẫn dùng ở mức cho phép.
  • Các chất làm ngọt ở nhóm “sugar alcohol” có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa do có tác dụng nhuận tràng. Tuy nhiên, chỉ nên lưu ý ở các thuốc sử dụng cho em bé nhỏ tuổi hoặc những bệnh nhân sử dụng chế độ dinh dưỡng toàn bộ (hệ tiêu hóa không hoạt động được).
  • Những người mắc bệnh di truyền hiếm gặp phenylketonuria (PKU) gặp khó khăn trong việc chuyển hóa phenylalanin, thành phần của aspartame. Do đó, cần kiểm soát lượng phenylalanin của họ từ tất cả các nguồn, bao gồm cả aspartame.

Nguồn tham khảo

 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
error: Content is protected !!