Có thể nói, việc phát minh ra vaccine là một thành tựu y học của nhân loại vì vaccine giữ vai trò quan trọng trong việc chủ động phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua.
Vaccine có thể được đưa vào cơ thể thông qua nhiều đường khác nhau như đường tiêm, đường uống hoặc đường hô hấp. Trong khi các nhà sản xuất vaccine đang chạy đua cải tiến các mũi tiêm với hy vọng nâng cao hàng rào miễn dịch, một số nhà nghiên cứu đang theo đuổi phương án tạo ra vaccine sử dụng qua đường mũi hoặc dạng uống để nâng cao miễn dịch ngay tại cửa ngõ hô hấp.
Vaccine sử dụng qua đường mũi
Đối với các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, mũi và họng chính là nơi tiếp xúc tác nhân gây bệnh đầu tiên. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng nếu vaccine hiệu quả, miễn dịch ở niêm mạc mũi-miệng sẽ hạn chế việc nhân bản và tạo ra các biến thể virus mới. Vaccine sử dụng qua đường mũi là phương pháp thay thế thuận tiện hơn so với đường tiêm. Vì không xâm lấn và không gây đau, phương pháp này giúp đạt được sự tuân thủ của người sử dụng, đặc biệt là ở bệnh nhi. Hơn nữa, vaccine sử dụng qua đường tiêm phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật của nhân viên y tế, trong một số trường hợp có thể dẫn đến lây nhiễm tác nhân gây bệnh. Trong khi đó, người dùng có thể tự sử dụng vaccine thông qua niêm mạc mũi mà không cần các dụng cụ đặc biệt như kim tiêm.
Đặc điểm của vaccine dùng qua niêm mạc mũi
- Vaccine có thể được phát triển ở các dạng bào chế như dạng bột, gel, nhỏ giọt, và hỗn dịch dạng xịt.
- pH trong công thức là một yếu tố quan trọng, thường nằm trong khoảng 4,5 – 6,5. Vì pH trong khoang mũi thường là 5.5 – 6.5 ở người trưởng thành và 5.0 -7.0 ở trẻ em. Hơn nữa, lysozyme trong dịch mũi giữ vai trò tiêu diệt một số vi khuẩn có thể bị bất hoạt ở pH lớn hơn 7. Nếu pH lớn hơn 7, các mô ở mũi sẽ dễ bị nhiễm khuẩn.
- Một số tá dược thường được sử dụng trong công thức là hệ đệm, chất chống oxy hóa, chất diện hoạt, chất bảo quản, tác nhân tạo gel/ độ nhớt,…
Những thách thức trong quá trình phát triển vaccine
- Chi phí đầu tư cho nghiên cứu cao.
- Hiệu quả phụ thuộc vào nồng độ kháng nguyên, liều lượng sử dụng. Kháng nguyên có thể bị pha loãng bởi các chất trong dịch tiết của niêm mạc hoặc bị giữ lại trong chất nhầy, bị phân giải bởi các enzym như protease và nuclease. Sinh khả dụng của vaccine có thể bị ảnh hưởng bởi cơ chế bảo vệ tự nhiên như hàng rào biểu mô và sự thanh thải niêm mạc.
- Số lượng tá dược hỗ trợ đáp ứng miễn dịch và tương thích với cơ thể người còn hạn chế.
Các thử nghiệm lâm sàng và triển vọng trong tương lai
Hiện nay, nhiều loại vaccine sử dụng qua niêm mạc mũi ngừa SARS-CoV-2 hoặc HIV đang được nghiên cứu và trong quá trình thử lâm sàng. Nga sẽ thử nghiệm vaccine dạng xịt mũi trên những người tình nguyện. Vaccin này được sử dụng với hai liều tại một phòng khám ở St. Peterburg. Beijing Wantai – một công ty phát triển vaccine tại Trung Quốc cũng dự kiến thử nghiệm dạng vaccine này trong nghiên cứu lâm sàng pha III trên quy mô 40.000 người tình nguyện. Người thử nghiệm sẽ được dùng 2 liều Beijing Wantai vaccine hoặc giả dược trong thời gian 2 tuần.
NGUỒN THAM KHẢO:
- Beijing Wantai plans large trial for nasal spray COVID-19 vaccine candidate
- Russia to test COVID-19 vaccine in form of nasal spray
- Study: New Nasal Vaccine Shows Promise for Protection Against COVID-19, HIV
- Chapter Fifteen Nasal Vaccine Delivery