Sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp dược Ấn Độ

Bước ngoặt phát triển

Từ khi giành độc lập (năm 1947) đến năm 1970, Ấn Độ chấp nhận luật bản quyền thừa hưởng từ Anh (năm 1911) với mục đích đảm bảo những lợi ích cho các công ty của Anh. Hệ quả là các công ty đa quốc gia khống chế hoàn toàn thị trường dược với thị phần 85% – dược phẩm chủ yếu là nhập khẩu, sản xuất trong nước gần như là số 0.

Từ năm 1970, luật bản quyền Ấn Độ quy định “bản quyền được cấp trên cơ sở khuyến khích sáng tạo và để những sáng tạo đó hiệu quả ở Ấn Độ ở quy mô thương mại với mức độ tối đa, chứ không phải nhằm đảm bảo thế độc quyền nhập khẩu”.

Thời gian bảo hộ bản quyền thuốc được rút ngắn, 5-7 năm thay vì 15 năm như trước. Việc sản xuất thuốc generic dễ dàng hơn nhiều khi nhà nước không bảo hộ bản quyền với sản phẩm cuối cùng mà với quy trình sản xuất. Một điều chỉnh nhỏ trong công thức thuốc cũng đủ để các hãng dược đăng ký bản quyền mới. Kết quả là tới cuối thế kỷ 20, thị phần của các công ty đa quốc gia ở Ấn Độ chỉ còn 40%, bao gồm một phần đáng kể các công ty này đặt nhà máy tại chính Ấn Độ.

Ấn Độ trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 1995 và cũng phải tuân theo các quy định toàn cầu về bảo hộ sở hữu trí tuệ (TRIPS) với dược phẩm từ ngày 01/01/2005. Nhưng với đạo luật bản quyền 1970, Ấn Độ đã tranh thủ được khoảng thời gian quý giá để xây dựng ngành dược phẩm bản địa đứng vững trên đôi chân của mình và giờ tham gia cuộc chơi giá trị cao hướng tới tương lai một cách hoàn toàn tự tin.

Những thống kê ấn tượng

    • Giá trị ngành dược phẩm năm 2021 là 42 tỉ USD
    • Số lượng lao động: 600.000.
    • Số lượng cty: 3.000.
    • Số cơ sở sản xuất: 10.000.
    • Cung cấp 20% tổng lượng thuốc xuất khẩu toàn cầu.
    • Cung cấp 50% vắc xin lớn nhất thế giới.

Dược phẩm của Ấn Độ đáp ứng tiêu chuẩn rất cao của hầu hết những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Anh, EU… “So sánh với cả thế giới thì Ấn Độ là nước có giá thuốc cực thấp với chất lượng thuốc cao” – Nihchal H. Israni, cựu chủ tịch Hiệp hội các hãng sản xuất dược Ấn Độ, tóm gọn. Nhờ thế, Ấn Độ đáp ứng tới 90% nhu cầu dược phẩm trong nước.

Hướng tới tương lai

Hiện ngành dược Ấn Độ xếp hạng 14 về giá trị và chiếm 3,4% thị phần dược phẩm thế giới. Nếu vẫn tăng trưởng như cũ thì giá trị thị trường sẽ tăng lên khoảng 108 tỉ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, nếu tập trung vào các yếu tố tăng trưởng mới tạo giá trị cao, Ấn Độ có thể tăng thị phần toàn cầu lên 4% và đạt 130 tỉ USD cũng vào năm 2030.

Đầu tháng này, chính quyền của Thủ tướng Nerandra Modi đã ra mắt “Chương trình tạo động lực nghiên cứu” (Research-Linked Incentive Program, RLI) nhằm đưa Ấn Độ dịch chuyển từ phân khúc giá trị thấp, số lượng nhiều sang phân khúc giá trị cao, số lượng nhiều trên thị trường dược phẩm toàn cầu. Đây là dự án được thực hiện với tầm nhìn rất lâu dài và không mang lại lợi nhuận ngay lập tức.

Sáu lĩnh vực trọng tâm là thuốc tương tự sinh học, thuốc generic phức tạp, thuốc mồ côi (orphan drug – thuốc đặc trị những loại bệnh hiếm gặp, có xác suất mắc phải thấp, phác đồ điều trị chưa rõ ràng), thuốc chính xác, vaccine, thuốc kháng khuẩn.

Tài liệu sơ thảo cho thấy ngành công nghiệp dược Ấn Độ đang chi trung bình 5-6% doanh thu cho nghiên cứu và phát triển, con số sẽ cần tăng lên ít nhất là 15% để bước vào những sân chơi lớn nói trên. Các công ty tham gia RLI sẽ được chia làm ba loại:

    1. Công ty dược phẩm lâu đời đã có các mối liên hệ học thuật.
    2. Công ty khởi nghiệp hỗ trợ nghiên cứu cơ sở và thử nghiệm trong ngành dược.
    3. Công ty đã đạt được trình độ công nghệ cao.
      Mỗi công ty dạng (1) và (3) sẽ được đầu tư ít nhất 1,5 tỉ rupee (19 triệu USD) từ nhà nước và các công ty dạng (2) sẽ nhận ưu đãi dưới dạng chính sách thuế và nhân lực.

Sudarshan Jain, tổng thư ký Liên minh dược Ấn Độ, nói đại dịch COVID đã “thay đổi nhận thức của cả thế giới” về sức mạnh của ngành dược Ấn Độ: “Thế giới không thể tin nổi rằng chúng ta đủ sức cung ứng thuốc men và vaccin cho 200 nước liên tục suốt 25 tháng dịch COVID”.

 


Nguồn tham khảo
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
error: Content is protected !!