Sơ lược về Giả dược (Placebo) và sức mạnh của niềm tin

Giả dược đã có từ hàng ngàn năm trước và là phương pháp điều trị được nghiên cứu rộng rãi nhất trong lịch sử y học.

Từ “Placebo” đã được giới thiệu trong bản dịch Kinh thánh bằng tiếng Latinh vào thế kỷ IV của Saint Jerome. Câu 9 của Thi thiên 114 dịch thành: “Placebo Domino in regione vivorum”. “Giả dược” có nghĩa là “Tôi sẽ làm hài lòng”, và câu đó là: “Tôi sẽ làm hài lòng Chúa trong vùng đất của sự sống.”

Người đầu tiên sử dụng thuật ngữ giả dược trong điều trị y tế vào thế kỷ XVII là bác sĩ người Anh Robert Pierce. Năm 1697, ông xuất bản cuốn sách “Bath memoirs: or, Observations in Three and Forty Years Practice”: Trong đó; ông mô tả việc bắt gặp một thầy lang sử dụng phương pháp tắm và uống nước tắm để điều trị cho bệnh nhân, thay vì áp dụng các phương pháp điều trị thật sự.

Bác sĩ sản khoa người Scotland; William Smellie (1697 – 1763) là người tiên phong sử dụng thuật ngữ “giả dược” để mô tả phương pháp điều trị y tế.  Năm 1752, ông viết: “Sẽ rất tiện lợi khi kê một số Placemus vô hại, mà cô ấy có thể dùng để thỏa mãn trí tưởng tượng của mình”. (“placemus” là một dạng khác của từ “placebo”.)

Đến năm 1811, một bác sĩ người Anh khác tên là Robert Hooper lần đầu tiên đưa thuật ngữ “giả dược” vào cuốn từ điển y học mang tên Quincy’s Lexicon-medicum. Trong từ điển này, Hooper định nghĩa: “Giả dược là bất kỳ loại thuốc nào được sử dụng với mục đích chính là giúp cho tâm trí bệnh nhân thoải mái, cho dù phương pháp điều trị có hiệu quả hay không”.

Vào giữa thế kỷ XX, các thử nghiệm có đối chứng với giả dược đã đủ phổ biến để Henry Knowles Beecher đưa ra một trong những ví dụ sớm nhất về “đánh giá có hệ thống” ước tính hiệu quả của giả dược. Beecher phục vụ trong Quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh thế giới thứ 2. Khi làm việc ở tiền tuyến miền Nam nước Ý, nguồn cung cấp morphin đã cạn kiệt, và Beecher báo cáo rằng đã nhìn thấy một điều gì đó khiến anh ngạc nhiên. Một y tá tiêm nước muối thay vì morphin cho thương binh trước khi giải phẫu. Người lính nghĩ đó là morphin thật và dường như không cảm thấy đau.

Sau chiến tranh, Beecher đã xem xét 15 thử nghiệm có đối chứng với giả dược về các phương pháp điều trị giảm đau với một số bệnh khác. Các nghiên cứu có 1,082 người tham gia và phát hiện ra rằng, nhìn chung, 35% các triệu chứng của bệnh nhân đã thuyên giảm chỉ bằng giả dược. Năm 1955, ông công bố nghiên cứu của mình trong bài báo nổi tiếng của mình “Sức mạnh của Placebo”.

Trong khi kết luận trong bài báo của Beecher có vẻ rất khả quan, các nhà nghiên cứu ở thập niên 1990 đã tỏ ra hoài nghi về kết quả này. Theo họ, một số tình trạng sức khỏe mà Beecher quan sát có thể là do cơ thể người bệnh tự chữa lành theo thời gian. Điều này nghĩa là hiệu ứng giả dược không phải là yếu tố duy nhất giúp cải thiện sức khỏe của bệnh nhân. Ngoài ra, giả dược chủ yếu được sử dụng để điều trị những căn bệnh liên quan đến vấn đề nhận thức. Việc dùng nó để điều trị các bệnh không liên quan đến nhận thức như ung thư, phình động mạch có thể sẽ không hiệu quả, thậm chí là phi đạo đức.

Ngày nay, các nhà nghiên cứu thường cân nhắc đến hiệu ứng giả dược khi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Nếu nhóm bệnh nhân sử dụng các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị mới có kết quả thử nghiệm tốt hơn đáng kể so với nhóm đối chứng (những người tham gia điều trị bằng giả dược), người ta có thể kết luận rằng loại thuốc mới, hoặc phương pháp chữa bệnh mới thực sự có tác dụng.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
error: Content is protected !!