Kỹ thuật che mùi vị là một trong những kỹ thuật quan trọng trong nghiên cứu và sản xuất dược phẩm nhằm tăng cường tuân thủ điều trị và nhận diện thương hiệu. Mùi vị của thuốc có thể ảnh hưởng lớn đến sự tuân thủ của bệnh nhân, đặc biệt là đối với trẻ em và người già – những đối tượng nhạy cảm với mùi vị khó chịu của thuốc. Hơn nữa, mùi vị đặc trưng còn giúp sản phẩm dược phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Bài viết này sẽ giới thiệu một số kỹ thuật phổ biến trong việc che mùi vị thuốc.

1. Sử dụng chất làm ngọt và tạo mùi
Các chất làm ngọt như Aspartam và sucralose thường được sử dụng do chúng hòa tan nhanh trong nước bọt, ngăn chặn sự tương tác của hoạt chất với vị giác, từ đó giảm mùi vị khó chịu của thuốc. Ngoài ra, một số tá dược như tinh dầu bạc hà có tác dụng làm tê vị giác, làm chậm cảm nhận vị đắng của hoạt chất.
2. Tạo phức
Phương pháp tạo phức liên quan đến việc bọc gọn phân tử hoạt chất bên trong các tác nhân tạo phức, tạo thành phức hợp ổn định và giảm khả năng tiếp xúc với vị giác. Điều này giúp làm giảm cảm nhận mùi vị của hoạt chất. Các phức chất thường được sử dụng bao gồm Beta cyclodextrin và Hydroxy propyl beta cyclodextrin.
3. Lớp bao
Sử dụng các lớp bao như shellac, ethyl cellulose hay aminoalkyl methacylate copolymer là một trong những phương pháp che mùi vị hiệu quả nhất. Lớp bao polymer này ngăn chặn sự hòa tan và phóng thích hoạt chất trong khoang miệng. Lớp bao có thể kết hợp với hoạt chất bằng phương pháp xát hạt ướt hay phun sấy tạo hạt.
4. Hệ Matrix
Hệ matrix bao gồm các chất nền như vật liệu polymer, nhựa, gel hoặc lipid (như gelan gum hay egg phosphatidyl choline) giúp đưa thuốc vào hệ thống cồng kềnh, làm chậm khả năng tiếp xúc của hoạt chất với vị giác. Phương pháp này cũng giúp cải thiện sự ổn định và hiệu quả của thuốc.
5. Tạo tiền chất
Tạo tiền chất cho hoạt chất giúp biến đổi tính chất hóa lý và vị của hoạt chất. Tiền chất này sẽ biến đổi sinh học và chuyển thành dạng có hoạt tính sau khi vào đường tiêu hóa. Dù phương pháp này ít phổ biến do cần đánh giá hiệu quả sinh học của tiền chất, nhưng nó vẫn là một giải pháp tiềm năng.

Lựa chọn kỹ thuật phù hợp
Các kỹ thuật che mùi vị cần được xem xét dựa trên đặc tính cụ thể của thuốc. Ví dụ, một thuốc cực kỳ đắng không thể chỉ sử dụng chất làm ngọt mà cần kết hợp thêm các kỹ thuật như dùng hệ matrix hay lớp bao. Các thuốc ion có thể sử dụng kỹ thuật trao đổi ion, trong khi các thuốc kị nước có thể sử dụng hệ matrix thân dầu. Tuy nhiên, cần cân nhắc về vấn đề tương đương sinh học khi áp dụng một số kỹ thuật che mùi vị.
Thử nghiệm đánh giá mùi vị
Mùi vị thường được đánh giá chủ quan, và ngoài việc đánh giá trên người, phản ứng thần kinh vị giác trên ếch cũng có thể được sử dụng. Một số thiết bị lưỡi nhân tạo cũng được ứng dụng trong việc đánh giá mùi vị, nhưng hiện tại chưa có quy chuẩn cụ thể nào cho việc đánh giá này.
Tóm lại, việc sử dụng các kỹ thuật khác nhau để cải thiện mùi vị của hoạt chất là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng điều trị qua việc tăng cường sự tuân thủ của bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi. Các kỹ thuật này thường được kết hợp linh hoạt trong quá trình phát triển công thức để đạt hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí.
Tham khảo: Taste Masking Techniques in the Pharmaceutical Industry