Hoạt chất me-too, định nghĩa, lý do và vai trò trong nền dược phẩm – Phần 1

Có thể các bạn đã nghe đến sản phẩm me-too trong nhiều ngành hàng tiêu dùng: các mặt hàng gần giống với một sản phẩm khởi nguồn, có cải tiến tuy nhiên nhưng không quá lớn so với sản phẩm gốc. Vậy còn me-too trong Dược phẩm thì sao? Có 2 nhóm chính là hoạt chất me-too và sản phẩm thành phẩm me-too. Tại thị trường Việt Nam, bạn có thể thấy rất nhiều dạng sản phẩm thành phẩm me-too. Một ví dụ là gần như mỗi nhà máy trong hơn 200 nhà máy dược phẩm ở Việt Nam đều có sản phẩm viên nén bao phim chứa 500mg paracetamol. Trong bài viết này, SEN Pharma sẽ cung cấp đến độc giả một số thông tin thú vị về hoạt chất me-too.

Hiểu thế nào cho đúng về hoạt chất me-too?

Thuật ngữ hoạt chất me-too hoặc thuốc me-too (me-too drug – MTD) bắt đầu được dùng từ những năm 1950. Ở thời điểm ban đầu, nhiều định nghĩa đã được đề xuất với một sắc thái khá tiêu cực, ví dụ một số học giả coi MTD:

  • Là thuốc mà không có một lợi điểm rõ rệt gì
  • Là hoạt chất không đáng dùng trên người và không đáng có mặt trên thị trường
  • Là từ lóng ám chỉ hoạt chất được các công ty Dược phẩm phát triển với mục đích chiếm giữ thị phần. Bất kỳ cải thiện vào về dược lý chỉ là tình cờ

Đến năm 2020, một nhóm học giả từ UK đã đề xuất một khái niệm mà SEN Pharma thấy phù hợp hơn. MTD lúc này được hiểu là các API có cấu trúc liên hệ mật thiết với 1 chất đầu tiên của một nhóm hoạt chất, được xem như thuộc về cùng một nhóm dược lý với hoạt chất tiên phong, và dùng với cùng mục đích điều trị. Các MTD có thể khác hoạt chất tiên phong ở một số điểm như mức độ chọn lọc của tác dụng dược lý, tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc.

MTD có ý nghĩa về mặt thương mại với các công ty Dược ra sao?

Không thể chối bỏ chiến lược thương mại là một trong những nguyên nhân lớn các hãng Dược phẩm đưa ra các MTD.

Một trong những lý do khởi đầu cho việc công ty Dược đưa ra MTD sau khi đã đưa hoạt chất tiên phong đó là các công ty khi nghiên cứu luôn thử nghiệm trên một nhóm hoạt chất có cấu trúc tương tự và đã có các dữ liệu đáng kể. Trong quá trình thử nghiệm, do có thể có nhiều hoạt chất cùng có tiềm năng cao, thường sẽ có 1 chất được chọn là chất chính và các chất tương tự còn lại được coi là phương án dự phòng trong trường hợp chất chính thất bại trong bước tiền lâm sàng hoặc lâm sàng. Công ty lúc này sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí do nhân viên đã được đào tạo và các thiết bị, hệ thống cũng đã sẵn có. Lúc hoạt chất chính gần được đưa ra thị trường, các hoạt chất back up cũng đã được nghiên cứu khá kĩ và nhiều công ty chọn việc đầu tư thêm một chút để đưa luôn các lựa chọn back up này ra thị trường sau đó.

Một lý do khác khiến MTD được đưa ra thị trường là đôi khi các lựa chọn back up lại thể hiện những cải thiện đáng kể về dược động học, ví dụ thời gian bán thải dài hơn giúp chỉ cần dùng 1 lần/ ngày hoặc ít tác động lên con đường thải trừ của thuốc khác, từ đó ít có tương tác thuốc hơn. Các cải tiến này chắc chắn sẽ giúp các công ty Dược đạt được thị phần cao hơn trên thị trường.

Lý do cuối là MTD rẻ hơn rất nhiều so với thuốc tiên phong khi xét về chi phí nghiên cứu. Với dữ liệu đã có về thuốc tiên phong của nhóm, công ty Dược sẽ tiến hành các thay đổi trên thuốc tiên phong, tạo ra nhiều MTD với chi phí tiết kiệm hơn nhiều. Lợi nhuận từ MTD sẽ giúp các công ty có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư vào các dự án nghiên cứu thuốc tiên phong khác.

Ngoài ra, bạn cũng thấy các công ty khác nhau cũng có thể đưa ra MTD so với thuốc tiên phong của một công ty. Lý do là các nhóm nghiên cứu hoạt chất của các công ty thường xuyên tương tác với nhau trong các hội nghị khoa học và cùng tham khảo thư văn. Điều này dẫn đến khi khảo sát nhiều hoạt chất cho một tác dụng điều trị, hướng nghiên cứu của nhiều công ty có thể tương tự nhau, từ đó cùng đi đến một nhóm hoạt chất có cấu trúc hoá học tương tự nhau.

Bảng dưới đây làm rõ nhiều nguyên nhân tại sao MTD lại được nghiên cứu và đưa ra thị trường:

Lý do Ví dụ
Để giành và giữ thị phần Rất nhiều ví dụ trên thị trường
Để tăng cường tính đặc hiệu tại đích điều trị, từ đó giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ do tác dụng không đúng đích điều trị và tương tác thuốc Phát triển thuốc kháng giao cảm đặc hiệu với thụ thể Dopamin D2 (MTD), cải tiến so với các thuốc đời đầu tác dụng trên nhiều loại thụ thể Dopamine
Không làm thay đổi tính đặc hiệu trên đích điều trị mà còn giảm nguy cơ tác dụng phụ do không đúng đích điều trị hoặc tương tác thuốc Ranitidine (MTD) cải tiến hơn cimetidine khi so sánh về khả năng tương tác với nước ép trái nho
Gia tăng khả năng đạt hiệu quả, ít nhất trên các nhóm bệnh nhân cụ thể Ampicillin (phổ rộng hơn) được phát triển thay thế benzylpenicillin
Cải thiện khả năng đưa thuốc và dược động học của thuốc Ampicillin (đường uống) được phát triển thay cho benzylpenicillin dùng đường tiêm

Amoxicillin có dược động học cải thiện hơn so với ampicillin

Dùng thay thế hoạt chất gốc khi có thiếu hụt thuốc trên thị trường Không phải lý do chính cho việc phát triển, tuy nhiên đôi khi cũng rất có lợi
Đưa ra giải pháp thay thế rẻ tiền hơn Có nhiều ví dụ về khía cạnh này. Tuy nhiên không phải lúc nào MTD cũng rẻ hơn hoạt chất gốc, đôi khi giá lại còn cao hơn rất nhiều (do tính mới, công ty có thể marketing để đặt mức giá cao hơn)
Cải tiến dần dần Ví dụ với các hoạt chất chặn beta, các đời MTD sau được cải tiến dần dần so với các thuốc đời trước

Trong phần 2 của bài viết, độc giả sẽ được giới thiệu nhiều ví dụ tiêu biểu của MTD cùng với vai trò của MTD trong bảo vệ sức khoẻ người dân.


NGUỒN THAM KHẢO:

 

 

 

 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
error: Content is protected !!