Tiếp theo phần 1 về me-too drug (MTD), hãy cùng SEN Pharma đến với ví dụ cụ thể về vai trò thực tế của MTD nhé.
Một số ví dụ tiêu biểu của của MTD: opiates, barbiturates hoặc penicillines. 3 nhóm dược lý có nhiều các MTD là:
Thuốc chống trầm cảm 3 vòng
Bảng dưới là các ví dụ về thuốc tiên phong và me-too, cùng với các đặc điểm tiên tiến của MTD
Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng là một ví dụ rõ nét về khả năng các nhà hoá học thay đổi cấu trúc hoá học của một hoạt chất đã biết rõ tác dụng dược lý để tạo ra một hoạt chất khác. Các nhà hoá học tại Geigy đã biến đổi cấu trúc 3 vòng của chlorpromazine, một thuốc thuốc kháng histamine, bằng cách thay đổi vòng ở giữa từ dị vòng 6 thành dị vòng 7 để tạo ra imipramine. Với các báo cáo về tác dụng chống loạn thần của chlorpromazine, imipramine đã được thử nghiệm cho một vài dạng tâm thần và cho thấy tác dụng chống trầm cảm chứ không có tác dụng chống loạn thần.
Imipramine lần đầu được giới thiệu trên tạp chí British Medical Journal vào năm 1959. Khi nhận thấy tác dụng điều trị của nó, nhiều nhà khoa học đã có thêm động lực trong việc tinh chỉnh cấu trúc vòng, từ đó sinh ra một loạt hoạt chất me-too với cấu trúc có liên quan mật thiết đến nhau. Sự khác biệt về mặt lâm sàng giữa các hoạt chất me-too là tương đối giới hạn, chủ yếu hướng đến giảm tác dụng phụ chứ không phải tăng tác dụng.
Thuốc chẹn beta
Tiếp theo là bảng tóm tắt các thuốc me-too trong nhóm chẹn beta
Trái ngược với nhóm chống trầm cảm 3 vòng, nhóm chẹn beta được tìm ra thông qua các nghiên cứu về dược lý học. James Black tại ICI Pharmaceuticals đã nhận ra rằng tim có thể được bảo vệ bằng cách ngăn chặn các hoạt động của adrenaline và noradrenaline. Từ đó, thuốc chẹn beta đầu tiên đã được phát triển, Pronethalol. Khi quảng cáo thuốc này, các thuật ngữ như thụ thể (receptor) và chất đối vận (antagonist) đã lần đầu tiên được sử dụng. Dù Pronethalol đã sớm bị thu hồi vì độc tính trong các nghiên cứu tiền lâm sàng, ICI đã cho ra đời Propranolol mới tác dụng mạnh hơn nhiều. Tiếp theo đó, ICI cho ra đời Practolol là thuốc chọn lọc trên tim, chỉ tác dụng trên các thụ thể beta-1, nhưng sau đó nó cũng bị thu hồi vì các phản ứng bất lợi nghiêm trọng. Một điểm thú vị là tác dụng phụ của Practolol không phải là đặc trưng của nhóm thuốc và các thuốc me-too sau này không gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng như Practolol. Trong các thế hệ sau, Atenolol là thuốc đầu tiên được quảng cáo là chỉ cần dùng liều một lần mỗi ngày.
Khác với thuốc chống trầm cảm 3 vòng, các thuốc chẹn beta có profile về dược động học và dược lực học khác nhau khá đáng kể. Một số loại thể hiện khả năng tác dụng chọn lọc trên một thụ thể nhất định hoặc chọn lọc tác dụng trên tim. Một số còn đem lại các tác dụng khác, ví dụ làm ổn định màng tế bào, chặn kênh calcium hoặc làm giãn mạch. Chính vì các khác biệt rõ rệt này mà các thuốc chẹn beta được kê toa nhiều cho đến hiện nay.
Thuốc nhóm statin
Hoạt chất đầu tiên có tác dụng ức chế men HMG-CoA reductase là mevastatin vào năm 1976 do phân lập từ nấm Penicillium citrinum. Tuy vậy, mevastatin chưa từng được đưa ra thị trường. Sau đó, lovastatin đã được phát hiện ở Aspergilus terreus. Các statin khác cũng lần lượt tổng hợp. Các statin gần như có tác dụng giống nhau trong việc ức chế men HMG-CoA reductase. Điểm khác biệt chính giữa các statin là khi đưa vào cơ thể, chúng sẽ bị enzyme nào chuyển hoá. Điều này tạo ra các tương tác thuốc thuốc khác nhau, đôi khi rất nghiêm trọng đến mức phải dừng thương mại hoá. Ví dụ, cerivastatin có tương tác thuốc nhiều đến nỗi nó đã bị rút ra khỏi thị trường.
Các ví dụ khác về me-too drugs
Đôi khi với cùng công thức phân tử, thuốc có thể tồn tại dưới các dạng đồng phân khác nhau. Theo một thống kê, khoảng 40% thuốc dùng trong lâm sàng có trung tâm bất đối xứng (chiral) và khoảng 90% các thuốc trên thị trường là dạng racemic chứa các đồng phân với lượng bằng nhau. Trong đa số các trường hợp, các đồng phân này sẽ có tính chất lý hoá tương đồng nhau. Tuy nhiên, chúng lại thường có tính chất dược lý khác nhau. Ví dụ S-wafarin có hoạt tính mạnh hơn 5 lần so với R-wafarin. 2 loại wafarin này cũng được chuyển hoá khác nhau khi đưa vào cơ thể, dẫn đến các tương tác thuốc cũng khác nhau. Một số nhà sản xuất đã lợi dụng sự khác nhau giữa các dạng đồng phân để quảng bá cho các dạng thuốc chỉ chứa 1 dạng đồng phân, ví dụ esomeprazole hoặc escitalopram. Tuy nhiên, so với dạng racemic, các đồng phân này ít có ưu điểm vượt trội, và cũng bị coi là dạng me-too drug.
Ngoài lý do kinh tế, tại sao lại cần có các thuốc me-too?
Gần đây, vấn đề về nguồn cung cấp thuốc đã trở nên phổ biến và ngày càng nghiêm trọng. Tại Việt Nam, thời điểm quý 3 và 4 năm 2022 đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh viện thiếu thuốc điều trị. Việc có sẵn các MTD sẽ là một giải pháp giúp thay thế 1 thuốc bằng 1 thuốc tương tự trong nhóm. Tuy vậy, vẫn cần phải cẩn trọng khi thay thế thuốc do tuy MTD có thể có cùng cơ thế tác dụng nhưng đôi khi rất khác nhau về dược động học và tương tác thuốc. Từ đó, đòi hỏi nhân viên y tế phải điều chỉnh liệu trình điều trị cho phù hợp.
Đóng góp của MTD trong việc đảm bảo sức khoẻ toàn dân được thể hiện qua danh sách thuốc thiết yếu của WHO, có đến 60% là me-too drug. Với sự đa dạng của các MTD, các quốc gia sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc đảm bảo nguồn dược phẩm trong điều trị bệnh cho người dân.
Tóm lại, việc ra đời của MTD bắt nguồn từ cả lý do kinh tế và lý do đảm bảo sức khoẻ cộng đồng. Việc chọn dùng thuốc nào nên được tiến hành cẩn trọng, dựa trên phân tích lợi ích và nguy cơ, cũng như mức độ sẵn có tại từng quốc gia.
Nguồn tham khảo
- Aronson JK, Green AR. Me-too pharmaceutical products: History, definitions, examples, and relevance to drug shortages and essential medicines lists.BrJ Clin Pharmacol. 2020; 86:2114–2122.