Hiện nay rất nhiều công ty tại Việt Nam đang muốn xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Trên thực tế 80% các quy định của WHO-GMP và EU-GMP là giống nhau. Nội dung của WHO-GMP lại có phần chi tiết hơn EU-GMP. Điểm khác biệt cơ bản giữa EU-GMP và WHO-GMP là đơn vị thanh tra và sự tuân thủ chặt chẽ về chất lượng. Việc tuân thủ này trên thực tế sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho bệnh nhân khi sử dụng thuốc.
Để tuân thủ chặt chẽ các quy định về chất lượng, tất cả nhân viên trong nhà máy đều cần được đào tạo để có tư duy về chất lượng (quality mindset). Sẽ rất khó để nhân viên tuân thủ quy định nếu họ không hiểu rõ về những nguy cơ gây ra cho bệnh nhân khi thực hiện sai quy trình. Hệ thống quản lý chất lượng là một hệ thống động luôn cần được nâng cấp và cải tiến liên tục. Chính vì vậy, việc đào tạo liên tục cho nhân viên về chất lượng vô cùng quan trọng.
Hiện nay, đào tạo về GMP và hệ thống quản lý chất lượng còn nhiều bất cập vì các bài giảng có phần nặng về lý thuyết. Trên thực tế, hệ thống quản lý chất lượng dược phẩm là một hệ thống nhiều tính logic, kết hợp giữa khoa học về quản lý, chuyên môn và quản lý rủi ro. Nếu một người nắm vững về hệ thống này thì sẽ dễ dàng áp dụng vào các lĩnh vực khác để nâng cao chất lượng công việc.
Để phát triển ngành công nghiệp dược phẩm và hội nhập với thế giới, tất cả các nhân viên dù làm việc tại phòng ban nào trong nhà máy đều cần phải nâng cao nhận thức về chất lượng. Thấu hiểu tầm quan trọng của việc đào tạo về chất lượng, SEN Pharma sẽ ra mắt khóa học về chủ đề này vào đầu tháng 7. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để xây dựng một chương trình bài bản với những lập luận logic, những ví dụ thực tiễn để tạo cảm hứng và niềm yêu thích cho người học về lĩnh vực tưởng như rất khô khan này. Đó sẽ là nền móng vững chắc giúp các học viên dễ dàng thích nghi với các yêu cầu về chất lượng ngày càng khắt khe trong tương lai.