SMEDDS – HỆ THỐNG PHÂN PHỐI THUỐC TỰ NHŨ HÓA

SMEDDS - HỆ THỐNG PHÂN PHỐI THUỐC TỰ NHŨ HÓA

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI THUỐC TỰ NHŨ HÓA – SMEDDS, hệ thống của sự phát triển và vận dụng cao của nền y học hiện đại

Khoảng 60-70% các dược chất tiềm năng được phát triển thuộc BCS nhóm II với khả năng tan trong nước kém, sinh khả dụng đường uống thấp. Vì vậy, một trong những xu hướng của ngành Dược hiện tại là nghiên cứu cải thiện độ tan từ đó cải thiện sinh khả dụng của thuốc.

Và việc bào chế hệ thống phân phối thuốc tự nhũ hóa – SEDDs, đã thu hút được nhiều sự chú ý nhờ tăng khả năng hòa tan, ổn định dược chất trong đường tiêu hóa, tăng hấp thu, dẫn đến tăng khả dụng sinh học.

Hiện nay, các chế phẩm SMEDDS phổ biến trên thị trường dưới dạng viên nang mềm: Neoral (Cyclosporin) – Novartis, Norvir (Ritonavir) – Abbott, Aptivus (Tipranavir) – Boehringer Ingelheim, Accutan (Isotretinoin) – Roche,…

Có bao nhiêu công thức tự nhũ hóa – SMEDDS?

Có ba loại dựa trên kích thước và tính chất của hạt nhũ tương tạo thành sau khi tiếp xúc với môi trường nước:

  • Hệ tự nhũ (SEDDS – Self-Emulsifying Drug Delivery System) 
  • Hệ vi tự nhũ (SMEDDS – Self-Microemulsifying Drug Delivery System) 

SMEDDS – Hỗn hợp đẳng hướng của pha dầu, chất diện hoạt, chất đồng diện hoạt và dược chất được tạo ra bằng phương pháp phối hợp và khuấy cơ học đơn giản.

SMEDDS nhanh chóng được nhũ hóa tạo vi nhũ tương mịn kiểu dầu trong nước khi được pha loãng, khuấy trộn nhẹ nhàng trong môi trường nước hay dưới sự co bóp nhẹ nhàng của nhu động ruột.

Sự tự nhũ hóa hình thành các hạt có kích thước giọt rất nhỏ cung cấp một diện tích bề mặt tiếp xúc lớn cho quá trình hấp thu, giúp tăng tốc độ và mức độ hấp thu dược chất từ đó cải thiện sinh khả dụng. 

  • Hệ siêu vi tự nhũ (SNEDDS – Self-Nanoemulsifying Drug Delivery System)

Một số tá dược thường được sử dụng trong hệ vi tự nhũ – SMEDDS  

  • Pha dầu – giúp hòa tan liều lượng cần thiết của thuốc, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tự nhũ hóa và tăng hấp thu thuốc qua hệ thống bạch huyết. (Capryol 90, Labrasol, Capmul MCM, Paceol, Lauroglycol 90,…)
  • Chất diện hoạt: Đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng hòa tan, giúp hình thành và ổn định nhũ tương. (Tween 80, Tween 20, Kolliphor EL, Kolliphor RH40, Acconon MC8, Labrafil M, TPGS,…)
  • Chất đồng diện hoạt: Giúp làm giảm nồng độ chất diện hoạt cần thiết, tránh tác dụng kích ứng đường tiêu hóa của chất diện hoạt và góp phần làm giảm sức căng bề mặt dầu-nước. (Transcutol HP, Glycofurol, các PEG, glycol,…) 

Ngoài ra, trong công thức SMEDDS có thể sử dụng các thành phần khác như chất chống oxy hóa, chất tăng cường độ nhớt và các thành phần để giải phóng thuốc biến đổi.

Các chỉ tiêu đánh giá hệ vi tự nhũ – SMEDDS 

  • Khả năng tải
  • Độ ổn định khi pha loãng
  • Kích thước giọt
  • Thế zeta
  • Thời gian nhũ hóa
  • Độ bền nhiệt động học
  • Độ truyền qua
  • Độ hòa tan

Các vấn đề SMEDDS mang lại?

Trong quá trình phân tán, hàm lượng pha dầu giảm ảnh hưởng đến khả năng hòa tan của SMEDDS trong cơ thể, dẫn đến kết tủa thuốc.

Cách khắc phục nhược điểm này, có thể sử dụng các chất ức chế kết tủa cấu trúc polymer như: PVP, HPMC, Soluplus,…với khả năng ức chế quá trình tạo mầm và kết tủa thuốc. Tạm thời duy trì dung dịch siêu bão hòa của thuốc trong đường tiêu hóa.

SMEDDS lỏng mang lại nhiều lợi ích nhưng còn một số vấn đề như thuốc có thể kết tinh lại trong trình bảo quản, tương tác giữa thuốc với vỏ nang và độ ổn định trong quá trình bảo quản thuốc.

Chiến lược chính được áp dụng để vượt qua những thách thức này là chuyển đổi SMEDDS dạng lỏng thành SMEDDS dạng rắn (S-SMEDDS).

Kỹ thuật phổ biến nhất được sử dụng để điều chế S-SMEDDS là sử dụng chất mang rắn và sấy phun, có thể phát triển thêm các dạng bào chế viên nén, viên nang, phóng thích có kiểm soát,…


NGUỒN THAM KHẢO:

  1. Nikolakakis, Ioannis, and Ioannis Partheniadis. “Self-emulsifying granules and pellets: Composition and formation mechanisms for instant or controlled release.” Pharmaceutics 9.4 (2017): 50.
  2. Kaushik, Deepak. “Recent developments in self-microemulsifying drug delivery system: an overview.” Asian Journal of Pharmaceutics (AJP) 13.02 (2019).
  3. Buya, Aristote B., et al. “Self-nano-emulsifying drug-delivery systems: From the development to the current applications and challenges in oral drug delivery.” Pharmaceutics 12.12 (2020): 1194.
  4. Phương pháp chuyển trạng thái rắn hệ SEDDS / SMEDDS
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
error: Content is protected !!
DMCA.com Protection Status