Giới thiệu về thẩm định quy trình phân tích dược phẩm

Quy trình phân tích (Analytical Procedure) là gì?

Quy trình phân tích là tài liệu mô tả chi tiết các bước cần thiết để thực hiện từng phép thử phân tích. Quy trình có thể bao gồm cách pha mẫu thử, mẫu chuẩn và thuốc thử, cách sử dụng thiết bị, cách thiết lập đường chuẩn, sử dụng công thức để tính kết quả, ….

Thẩm định quy trình phân tích là gì?

Thẩm định quy trình phân tích là đưa ra bằng chứng chứng minh quy trình phân tích đó có phù hợp với mục đích ứng dụng không. Hay còn được định nghĩa là một quá trình thực nghiệm thiết lập các thông số đặc trưng của phương pháp để chứng minh rằng quy trình phân tích đó có đáp ứng yêu cầu phân tích dự kiến không. Thẩm định quy trình phân tích là một công việc mang tính chất bắt buộc và được tổ chức thực hiện định kỳ, nhằm đảm bảo phương pháp phân tích phù hợp và kết quả phân tích đạt độ tin cậy trong suốt quá trình phân tích.

Các quy trình phân tích nào cần thẩm định?

  1. Định tính: được hiểu là câu trả lời của câu hỏi: Có tồn tại chất phân tích trong mẫu thử hay không? Thường được xác định thông qua các phương pháp như quang phổ, sắc ký lỏng hiệu năng cao, phản ứng hóa học, …
  2. Định lượng hàm lượng các tạp chất: được hiểu là câu trả lời của câu hỏi: Lượng tạp chất trong mẫu thử là bao nhiêu?
  3. Phép thử giới hạn tạp chất: định lượng tạp chất có trong mẫu thử, từ đó xác định được độ tinh khiết của mẫu thử.
  4. Định lượng các hoạt chất trong mẫu nguyên liệu hoặc thành phẩm thuốc hoặc một hay nhiều thành phần được chọn khác trong thành phẩm thuốc.

Các chỉ tiêu nào cần xem xét khi thực hiện thẩm định quy trình phân tích?

1. Tính đặc hiệu (Specificity): Là khả năng đánh giá chắc chắn một chất phân tích có thể có trong mẫu thử khi có mặt các thành phần khác. Thông thường các thành phần này gồm các tạp chất, sản phẩm phân huỷ, chất nền…  Một quy trình phân tích kém đặc hiệu có thể được bổ trợ bằng một hoặc nhiều quy trình phân tích khác.

2. Tính tuyến tính (Linearity): Diễn tả kết quả phân tích thu được tỷ lệ với nồng độ (trong khoảng nhất định) của chất phân tích trong mẫu thử.

3. Khoảng xác định (Range): Là khoảng cách từ nồng độ trên đến nồng độ dưới của chất phân tích trong mẫu thử, trong đó quy trình phân tích đã được chứng minh đáp ứng độ chính xác, độ đúng và tính tuyến tính.

4. Độ đúng (Accuracy): Biểu diễn sự đồng nhất giữa giá trị tìm thấy với giá trị thực hoặc giá trị đối chiếu được chấp nhận. Đôi khi khái niệm này còn gọi là độ xác thực (trueness).

5. Độ chính xác (Precision): Diễn tả sự thống nhất (mức độ phân tán) kết quả giữa một loạt phép đo từ nhiều lần lấy mẫu trên cùng một mẫu thử đồng nhất dưới những điều kiện mô tả. Độ chính xác có thể chia thành 3 cấp: độ lặp lại, độ chính xác trung gian và độ tái lặp.

    • Độ lặp lại (Repeatability): Diễn tả độ chính xác của một quy trình phân tích trong cùng điều kiện thí nghiệm trong khoảng thời gian ngắn. Độ lặp lại còn được gọi là độ chính xác trong cùng điều kiện định lượng.
    • Độ chính xác trung gian (Intermediate precision): Diễn tả mức dao động của kết quả trong cùng một phòng thí nghiệm được thực hiện ở các ngày khác nhau, kiểm nghiệm viên khác nhau và thiết bị khác nhau.
    • Độ tái lặp (Reproducibility): Diễn tả độ chính xác giữa các phòng thí nghiệm (các nghiên cứu phối hợp giữa các phòng thí nghiệm thường được áp dụng để tiêu chuẩn hoá phương pháp).

6. Giới hạn phát hiện (Detection Limit = DL): Là lượng nhỏ nhất của chất phân tích trong mẫu thử có thể phát hiện được nhưng không nhất thiết để có thể định lượng được.

7. Giới hạn định lượng (Quantitation Limit = QL): Là lượng nhỏ nhất của chất phân tích trong mẫu thử để có thể định lượng được với độ đúng và độ chính xác thích hợp.

8. Độ thô (Robustness): Nhằm đánh giá khả năng duy trì của quy trình phân tích không bị ảnh hưởng bởi những biến đổi nhỏ nhưng có tính chủ định trong các thông số của phương pháp và chỉ ra mức tin cậy của quy trình trong điều kiện sử dụng bình thường.

9. Tính thích hợp của hệ thống (System Suitability Testing): Đánh giá tính thích hợp của hệ thống là những phép thử nhằm đánh giá tính thích hợp của toàn hệ thống phân tích được cấu thành bởi các yếu tố như máy móc thiết bị, hệ thống điện, cách tiến hành phân tích và mẫu thử.


NGUỒN THAM KHẢO:

HƯỚNG DẪN CỦA ASEAN VỀ THẨM ĐỊNH QUY TRÌNH PHÂN TÍCH

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
error: Content is protected !!