CRO đang dần trở thành xu hướng nghiên cứu mới và ngày càng phổ biến trong ngành công nghiệp dược thập kỷ vừa qua.
Với sự phát triển mạnh mẽ và tiềm năng tăng trưởng vượt trội, CRO không chỉ giảm thời gian và chi phí, mà còn tăng cường chất lượng sản phẩm, đặc biệt trong nghiên cứu lâm sàng và sản xuất thuốc.
1. CRO là gì?
CRO – Contract research organisations là thuật ngữ về những công ty cung cấp dịch vụ nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm theo hợp đồng. Các công ty CRO cung cấp dịch vụ từ nghiên cứu ban đầu đến hoàn thành hồ sơ đăng ký.
Dịch vụ Nghiên cứu theo hợp đồng nhằm tối ưu hoá nguồn lực bên ngoài doanh nghiệp, giúp giảm thời gian và tăng chất lượng sản phảm và hiệu quả của hoạt động nghiên cứu.
2. Xu hướng phát triển dịch vụ CRO
Nghiên cứu theo hợp đồng đang dần trở thành xu hướng nghiên cứu mới và được dự đoán tăng trưởng mạnh mẽ trong 10 năm tới.
Theo trang Marketsandmarkets, thị trường cho dịch vụ CRO sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm tới, đạt tổng giá trị 82 tỉ đô vào năm 2024 và 129,8 tỉ đô đến cuối năm 2029 với mức tăng trưởng hằng năm 9,6%.
Dịch vụ Nghiên cứu theo hợp đồng hỗ trợ trong nghiên cứu nhiều nhóm hoạt chất và điều trị, trong đó, thuốc ung thư trở thành một nhóm thuốc tiềm năng do số ca ung thư tăng và lợi nhuận cao.
Về khu vực, Bắc Mỹ đang chiếm thị phần CRO lớn nhất và khu vực Châu Á Thái Bình Dương được dự đoán có xu hướng tăng trưởng nhanh nhất trong thời gian tới. Một số tập đoàn CRO lớn gồm Labcorp, IQVIA, PPD.Inc, Syneos Health,…
3. Vì sao CRO đang trở thành xu hướng?
Động lực tăng trưởng cho thị trường Nghiên cứu theo hợp đồng chủ yếu do nhu cầu đầu tư cho nghiên cứu ngày càng tăng.
Nguyên nhân dễ thấy rằng các doanh nghiêp dược ngày càng chú tâm đến hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm với mục đích chính là tăng sức cạnh tranh và mở rộng doanh mục sản phẩm trên thị trường.
Theo thống kê, trong 10 năm từ 2013 đến 2023, số lượng API được đưa vào nghiên cứu tăng gần gấp đôi. Kéo theo đó, các doanh nghiệp cũng tăng các hoạt động nghiên cứu bên ngoài (outsourcing) tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho nghiên cứu. Điều này thúc đẩy cho sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ Nghiên cứu theo hợp đồng.
Theo nhận định, một nghiên cứu lâm sàng thực hiện bởi 1 công ty Nghiên cứu theo hợp đồng có thể nhanh hơn 30% so với khi được thực hiện bởi một công ty dược riêng lẻ. Một trong những ví dụ nổi tiếng về CRO trong đại dịch Covid là sự kết hợp của Pfizer và BioNTech với các hợp đồng CRO dài hạn.
Sự kết hợp này đã đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và sản xuất nhằm cung cấp vaccine nhanh và kịp thời. Thời gian sản xuất cho 1 liều vaccine giảm hơn 80 ngày, năng lực sản xuất tăng từ 2 tỷ liều/năm lên 3 tỷ liều/năm.
Điều này cho thấy, để tăng hiệu quả, giảm thời gian và chi phí cho quá trình nghiên cứu, việc tối ưu và kết hợp nhiều nguồn lực là một vô cùng quan trọng. Sự phối hợp giữa các doanh nghiệp lớn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển cho ngành công nghiệp dược, cung cấp sản phẩm chất lượng và kịp thời cho thị trường.