Chất vàng Ô (Auramine O) là tên thương mại của chất diarylmethane – là chất chỉ được sử dụng trong công nghiệp để nhuộm vải, giấy, gỗ và làm màu sơn quét tường, trong y khoa có thể dùng để nhuộm màu vi khuẩn acid nhanh…và bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Bài viết sau đây cung cấp thông tin về chất vàng O, độc tính khi sử dụng và một số thực phẩm có nguy cơ nhiễm.
1. Chất vàng O là gì và được dùng ở đâu?
Chất vàng Ô (Auramine O) là tên thương mại của chất diarylmethane – một chất bột tinh thể hình kim, màu vàng, dễ tan trong nước và cồn, với công thức hóa học là C17H21N31.
Chất này chỉ được sử dụng trong công nghiệp để nhuộm vải, giấy, gỗ và làm màu sơn quét tường, trong y khoa có thể dùng để nhuộm màu vi khuẩn axit nhanh…
Chất vàng Ô là chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn đã ban hành Thông tư số 42 bổ sung Auramine và các dẫn xuất của Auramine (chất cơ bản màu vàng 2) vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam.
Các chất tạo màu vàng bị cấm gồm:
-
- Vat Yellow 1 (tên gọi khác là flavanthrone, flavanthrene và sandothrene)
- Vat Yellow 2 (tên gọi khác là Indanthrene)
- Vat Yellow 3 (có tên gọi khác là Mikethrene)
- Vat Yellow 4 (tên gọi khác là Dibenzochrysenedione và Dibenzpyrenequinone)l
- Chất Auramine (tên gọi khác yellow pyoctanine và glauramine) và các dẫn xuất của Auramine.
2. Thực phẩm nào có nguy cơ nhiễm chất vàng O?
Theo chuyên gia bảo vệ thực vật, đối với sầu riêng, chất vàng O thường được sử dụng để có mẫu mã đẹp, bắt mắt khi chín.
Đối với măng, màu sắc bên ngoài của măng tươi hoặc măng khô có màu vàng nhạt, còn măng ngâm chất vàng O thì thường màu vàng đậm. Về độ giòn, măng ngâm hóa chất thường giòn, bẻ dễ gãy vụn, còn măng tự nhiên do ngâm muối nên dai hơn, không dễ gãy khi bẻ.
Đối với gia cầm, khi trộn vàng O vào thức ăn khiến lòng, da gà có màu vàng tươi, đậm hơn so với gà bình thường…
Do đó người tiêu dùng không mua các nông sản, thực phẩm có màu sắc bắt mắt như gà, lòng gà có màu vàng tươi bất thường, măng có màu vàng đậm hơn…
Còn người sản xuất, kinh doanh tuyệt đối không sử dụng chất vàng O trong sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm để bảo vệ sức khỏe và tính mạng người sản xuất, người tiêu dùng.
3. Chất vàng O độc tính ra sao?
3.1. Nhiễm độc cấp tính:
-
- Đường hô hấp: Gây kích ứng dữ dội, dẫn đến sặc, viêm phế quản, viêm phổi.
- Hệ tiêu hóa: Gây đau bụng, nôn ói, đau rát cổ, tiêu chảy.
- Da: Gây ngứa, bong tróc, viêm loét da.
3.2. Nhiễm độc mạn tính:
-
- Gây ung thư: Nghiên cứu trên động vật cho thấy vàng Ô có thể gây ung thư cho chuột…. Tổ chức Ung thư thế giới IARC đã xếp chất này vào hàng gây ung thư nhóm 2B tức là có khả năng gây ung thư cho con người.
- Tổn thương DNA: Vàng Ô làm tổn thương acid nucleic của DNA của nhiều dòng tế bào, đặc biệt là tế bào gan, thận và tủy xương.
- Ảnh hưởng đến trẻ nhỏ: Trẻ nhỏ nếu hấp thụ nhiều chất này có thể bị các chứng kích thích, hiếu động thái quá, lơ đãng, thiếu tập trung.
- Gây viêm và phù nề: Kích thích gây ra viêm và phù nề tại chỗ, đặc biệt là tại viêm mạc, màng nhầy. Da, miệng, mũi, mắt là những nơi thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.
4. Kiểm nghiệm thực phẩm nhiễm chất vàng O ở đâu?
Liên quan tình hình xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đến Trung Quốc bị nghi ngờ nhiễm chất vàng O. Đến ngày 26/1/2025, đã có 9 trung tâm, phòng kiểm nghiệm vàng O trong sầu riêng của Việt Nam được Trung Quốc công nhận để kiểm nghiệm nông sản. Các trung tâm kiểm nghiệm được Trung Quốc công nhận nằm tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, Cà Mau. Danh sách cụ thể như sau:
-
- Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng 1 – địa chỉ 51 Lê Lai, Ngô Quyền, TP Hải Phòng.
- Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng 2 – địa chỉ 167-175, đường Chương Dương, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.
- Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng 4 – địa chỉ phòng thử nghiệm 271 Tô Ngọc Vân, phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP.HCM. Trụ sở số 91 Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5, TP.HCM.
- Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng 5 – 57 Phan Ngọc Hiển, phường 6, Cà Mau.
- Trung tâm Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường vùng 6 – 386C, Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
- Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Hoàn Vũ – địa chỉ phòng thử nghiệm 59 – 65 Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM.
- Công ty TNHH Công nghệ NHONHO – địa chỉ K2-17, đường Võ Nguyên Giáp, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
- Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia – địa chỉ số 65 Phạm Thận Duật – phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
- Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc – địa chỉ 7A Lê Văn Hiến, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.
Nguồn tham khảo:
Chất vàng ô là chất gì độc hại thế nào
Cách nào nhận biết nông sản, thực phẩm có sử dụng vàng O?
Danh sách, địa chỉ 9 phòng kiểm nghiệm vàng O trong sầu riêng Việt Nam được Trung Quốc công nhận