Cân nhắc khi nghiên cứu phát triển công thức viên nén ngậm dưới lưỡi

Hấp thu thuốc qua niêm mạc miệng có ưu điểm hơn hấp thu thuốc qua đường tiêu hóa như: sinh khả dụng cao hơn, khởi phát tác dụng nhanh gần như tức thì, tránh chuyển hóa qua gan, thuốc không bị ảnh hưởng bởi thức ăn, dễ sử dụng, do đó tăng tính tuân thủ của bệnh nhân, đặc biệt ở bệnh nhân lớn tuổi, tâm thần và trẻ em.

Khoang miệng có bốn vùng riêng biệt có thể hấp thu thuốc gồm: vùng dưới lưỡi (sublingual), vùng má (buccal), vùng nướu (gingival) và vòm họng (palatal). Các vùng này có đặc điểm sinh học và khả năng lưu giữ thuốc khác nhau. Vùng dưới lưỡi và vùng má thường ứng dụng vận chuyển thuốc toàn thân.

Do bề mặt khoang miệng có diện tích hạn chế hơn đường tiêu hóa nên chỉ những thuốc có liều nhỏ và hoạt lực mạnh mới được dùng qua đường dưới lưỡi.

Cũng giống như viên ODT, viên nén đặt dưới lưỡi cũng yêu cầu thời gian tan rã nhanh và vị dễ chịu. Để đạt được điều đó, viên nén phải có độ cứng thấp, độ xốp cao, có thể chứa lượng lớn tá dược siêu rã và đòi hỏi các tá dược tan tốt, tá dược điều vị. Tuy nhiên, viên nén có độ cứng thấp và độ xốp cao thường gây khó khăn trong việc đóng gói, vận chuyển do viên dễ vỡ, độ mài mòn cao.

Khi ngậm dưới lưỡi, bệnh nhân không được nuốt viên, thậm chí nuốt nước bọt để hạn chế thuốc hấp thu qua đường tiêu hóa. Trong công thức viên nén ngậm dưới lưỡi, cần lưu ý lựa chọn dược chất có kích thước hạt mịn và tá dược có chứa chất kết dính sinh học để kéo dài thời gian viên tiếp xúc dưới lưỡi.

Ba phương pháp thường dùng trong sản xuất viên nén ngậm dưới lưỡi: dập trực tiếp, đông khô và đổ khuôn.

  • Phương pháp dập trực tiếp: Hệ tá dược gồm có tá dược độn thường là đường (tan tốt, vị ngọt, cảm giác dễ chịu), tá dược dính khô, đệm (điều chỉnh pH dịch nước bọt vùng dưới lưỡi, làm tăng sinh khả dụng), tá dược mùi vị, siêu rã, trơn bóng…
  • Phương pháp đông khô: Tạo ra viên có độ xốp cao, viên gần như tan rã ngay khi đặt dưới lưỡi. Tuy nhiên, quy trình đông khô tốn kém và tạo viên có độ bền cơ học kém, độ ổn định kém ở nhiệt độ và độ ẩm cao. Phù hợp cho các dược chất nhạy cảm với nhiệt, kém ổn định.
  • Phương pháp đổ khuôn: Viên nén có độ tan rã nhanh, thường 5 – 10 giây nhưng khó vận chuyển do độ bền cơ học kém, có thể cần một loại bao bì đặc biệt. Viên nén có thể được bào chế trực tiếp từ nền tá dược nóng chảy, trong đó dược chất được hòa tan hoặc phân tán (đúc nhiệt), hoặc bằng cách làm bay hơi dung môi từ dung dịch thuốc hoặc hỗn dịch ở áp suất phòng (không đông khô chân không)

Các dược chất dùng trong viên nén đặt dưới lưỡi thường có độ tan thấp. Do đó, để tăng độ hòa tan, điều quan trọng nhất ở dạng bào chế này là kiểm soát chặt chẽ kích thước hạt dược chất vì cửa sổ hấp thu hẹp và thời gian hấp thu hạn chế.

Vị trí và thời gian hòa tan, hấp thu viên nén đặt dưới lưỡi khác hoàn toàn so với viên nén thông thường nên phép thử độ rã, độ hòa tan được đánh giá khác.

  • Phương pháp đĩa Petri: Sử dụng đĩa Petri có đường kính 10 cm, chứa 10 ml nước có thuốc nhuộm eosin, một tờ giấy có đường kính 10 cm đặt vào đĩa petri. Đặt viên nén vào giữa đĩa và thời gian viên thuốc rã hoàn toàn thành các hạt mịn được ghi nhận là thời gian rã.
  • Sử dụng máy phân tích kết cấu (texture analyzer (TA)): Trong phương pháp này, viên nén chịu một lực không đổi trong một thể tích nước xác định. Thời gian viên rã được xác định bằng cách đo khoảng cách đầu dò đi vào trong viên, do phần mềm máy tính toán.

NGUỒN THAM KHẢO:

Considerations in Developing Sublingual Tablets—An Overview

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
error: Content is protected !!