Acid citric trong phương pháp che vị và tạo phản ứng sủi

Acid citric là một tricarboxylic acid được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp hóa chất, thực phẩm và dược phẩm do tính tương thích sinh học, đa năng và là chất hóa học thân thiện với môi trường. Các chức năng của acid citric đến từ ba nhóm carboxylic và một nhóm hydroxyl.

Sản lượng acid citric được sử dụng năm 2020 trên toàn cầu đạt 2,39 triệu tấn, dự kiến đến năm 2026 tăng lên đến 2,91 triệu tấn. Ngành công nghiệp dược phẩm chiếm khoảng 12% tổng sản lượng toàn cầu, trong khi khoảng 70% được sử dụng ở ngành công nghiệp thực phẩm.

Acid citric trên thị trường được sử dụng của yếu dưới dạng monohydrat và dạng khan. Acid citric monohydrat được sản xuất thông qua quá trình kết tinh lạnh dung dịch bão hòa acid citric. Acid citric khan được sản xuất qua quá trình kết tinh nóng dung dịch acid citric bão hóa hoặc sấy khô acid citric monohydrate Ba nhóm carboxylic của acid citric có các giá trị pKa khác nhau, cụ thể là: 3,15, 4,78 và 6,40.

Dạng muối kiềm của acid citric là trisodium citrate tồn tại ở dạng khan và dạng dihydrat. Dạng khan có độ tan nhanh hơn dạng monohydrat. Độ xốp và độ chảy của dạng khan (anhydrous) cũng cao hơn dạng dihydrat, kể cả khi đã hút ẩm hoặc chất lỏng khác và đôi khi nó còn được dùng như chất mang cho các chất lỏng. Acid citric khan có độ ẩm bề mặt lên tới 0.5%, mạng lưới tinh thể bên trong không chứa ẩm. Kích thước hạt acid citric càng nhỏ thì phản ứng sủi bọt càng nhanh tương ứng với tính háo ẩm cũng cao hơn so với acid citric tinh thể lớn hơn. Tính háo ẩm của acid citric gây ra các vấn đề trong quá trình sản xuất viên sủi như viên sủi trước một phần ngay khi tiếp xúc với NaHCO3, Na2CO3, viên dính chày, xước cạnh… Hiện nay, nhiều phương pháp giảm tính háo ẩm của acid citric bằng cách bao acid citric với một lớp mỏng maltodextrin (Citric acid DC), lớp mỏng citrat (CITROCOAT N) hoặc phối hợp với silicon dioxid (Acid citric S40)…

Trong viên sủi, acid citric có thể làm giảm mùi khó chịu của calcium carbonate và calcium phosphate. Acid citric là một trong các chất kích thích hiệu quả tuyến nước bọt. Một số acid khác có thể thay thế cho acid citric trong viên sủi như acid malic, fumaric, tartaric, adipic… nhưng acid citric được sử dụng nhiều nhất do mang lại hương vị dễ chịu kiểu cam quýt và hoạt động như chất tăng cường hương vị. Phản ứng sủi bọt giữa acid citric với bicarbonat cũng được ứng dụng để phát triển viên nén nổi trong dạ dày. Viên nén nổi được trong dịch dạ dày nhờ phản ứng sủi bọt tạo ra khí CO2, CO2 bị giữ lại trong hệ gel polymer giúp viên nổi. Công nghệ này được sử dụng cho các thuốc không hòa tan hoặc không bền trong pH ruột. Một số thuốc áp dụng công nghệ nén nổi sủi bọt như verapamil, calcium disodium edentate, ciprofloxacin, dipyridamol, lisinopril, venlafaxine…

Acid citric là tác nhân che vị đắng và cải thiện cảm giác ngon miệng khi sử dụng thuốc, tăng sự tuân thủ của bệnh nhân. Acid citric tương quan thuận với vị chua, hương thơm của cam, quýt và tương quan nghịch với vị đắng. Ví dụ, vị đắng của Epinephrine có thể giảm xuống đến mức chấp nhận được khi công thức chứa Aspartame + Potassium acesulfame, khi thêm acid citric, vị đắng có thể giảm tới mức không phát hiện được. Acid citric được ứng dụng che vị đắng của olopatadine, mirtazapine, diclofenac, famotidine…


NGUỒN THAM KHẢO:

  1. Citric Acid: A Multifunctional Pharmaceutical Excipient
  2. Functional Acids – Jungbunzlauer
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
error: Content is protected !!